Giai điệu trong ngôn ngữ
Để giúp các bạn hiểu về ngữ điệu và tầm quan trọng của ngữ điệu trong tiếng Anh (intonation) dễ dàng hơn, mình sẽ so sánh với ngữ điệu của tiếng Việt. Một nét đặc trưng trong tiếng Việt mà bất kỳ một người nước ngoài nào muốn nói trôi chảy đều cần phải học thật nhuần nhuyễn đó là dấu (hay còn gọi là thanh điệu). Có thể dễ dàng nhận thấy các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng và không dấu tạo nên nghĩa khác nhau của một từ. Một người nước ngoài nói không rõ các dấu, có thể tạo nên sự khó hiểu cho người Việt. Và như một lẽ tự nhiên, các thanh điệu khác nhau đó tạo nên tính nhạc của tiếng Việt và sự khác biệt của tiếng Việt so với các ngôn ngữ khác.
Tương tự như vậy, trong tiếng Anh cũng có ngữ điệu và “tính nhạc” đặc trưng riêng. Nếu như tính nhạc của tiếng Việt đến từ dấu câu, thì “tính nhạc” của tiếng anh đến từ cao độ, độ dài, trọng âm trong một từ và giai điệu của một câu mà người nói thể hiện. Nói một cách dễ hiểu, nếu coi một đoạn tiếng Anh là một đoạn nhạc, thì mỗi từ chính là một nốt nhạc với độ cao, độ ngân khác nhau.
Có thể lấy ví dụ ngay trong tiếng Việt, khi tức giận, khi vui vẻ, khi đau buồn hay ngạc nhiên, phấn khích, ta đều sử dụng nhưng tông giọng khác nhau. Điều đó thể hiện cảm xúc của bản thân và khiến cho người nghe có thể hiểu được cảm giác đó thông qua lời nói. Tiếng Anh cũng như vậy, ngữ điệu đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc thể hiện cảm xúc.
Tóm lại, việc người học tiếng Anh thể hiện chính xác ngữ điệu khi nói có vai trò quan trọng như một người nước ngoài nói chính xác sáu thanh điệu trong tiếng Việt. Điều đó giúp cho người nghe có thể hiểu được ý nghĩa cũng như thái độ và cảm xúc của người nói.
Chúng ta được dạy ở trường về cấu trúc, ngữ pháp, từ vựng để biết được câu trả lời, thế nhưng lại không được dạy về ngữ điệu và thái độ khi “nói”. Đã đến lúc chúng ta từ bỏ cách nói chuyện đầy cứng nhắc và rời rạc như ro-bot với các câu trả lời được lập trình sẵn, giờ là lúc các bạn thả lỏng cơ thể và nói tiếng Anh một cách thực sự.
Tại sao cần có ngữ điệu trong tiếng Anh?
Mỗi người đều có một cách thể hiện của riêng mình và nhấn mạnh vào các từ mà được cho là quan trọng trong một câu một cách khác nhau. Hay nói cách khác, cùng một câu nói nhưng ngữ điệu và cách nhấn trọng âm vào các từ quan trọng khác nhau tạo nên nghĩa khác nhau. Ví dụ, với từ gạch chân là từ nhấn mạnh trong câu.
There are five apples on the table => Nhấn mạnh có 5 quả chứ không phải 2, 3.
There are five apples on the table => Nhấn mạnh là quả táo chứ không phải cam,…
There are five apples on the table => Để trên bàn chứ không phải trên ghế, hay tủ,…
Có thể thấy ngay trong tiếng Việt, khi ta nói “Có 5 quả táo trên bàn á?” và lên giọng vào cuối câu, tức là câu hỏi.
Khi nói: “Có 5 quả táo trên bàn” với một ngữ điệu không thay đổi thì thường được hiểu là câu trần thuật. Tiếng Anh cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, nếu như trong tiếng Việt, ngoài việc lên giọng vào cuối câu, chúng ta còn cần phải chèn vào một tiểu từ tình thái ở cuối như “á, ư, hả, à, sao, nhỉ…”, thì với tiếng Anh, chỉ cần lên giọng ở cuối một câu tường thuật người ta sẽ mặc nhiên hiểu đấy là câu hỏi.
Tóm lại, sử dụng ngữ điệu trong tiếng Anh giúp người nghe hiểu được đâu là ý quan trọng cũng như thể hiện ý nghĩa của câu nói. Tùy thuộc vào mỗi trường hợp thì người nói sẽ nhấn mạnh và sử dụng ngữ điệu khác nhau. Nhưng có một vài quy tắc cơ bản cho tất cả các trường hợp.
Nhấn mạnh từ quan trọng trong câu
Từ vựng trong một câu tiếng Anh có thể được chia làm 2 loại.
Loại 1: Các từ vựng thể hiện nội dung (content words) như là danh từ, động từ, tính từ, trạng từ. Các từ vựng này làm nên nghĩa của câu, có chức năng truyền tải thông tin đến người nghe.
Loại 2: Các từ chức năng (function words) như là giới từ, động từ to be, mạo từ,…. Các từ này chỉ đóng vai trò tạo nên một câu văn hoàn chỉnh và đúng ngữ pháp.
Do đó, tiếng anh sẽ nhấn mạnh vào các từ thể hiện nội dung (stress) và lướt qua (de-stress) các từ chức năng, với các từ quan trọng sẽ phát âm dài hơn, to hơn, và với âm cao hơn.
Thể hiện nghĩa của câu
Trong tiếng Anh có ba cách thể hiện ngữ điệu: Lên giọng (Raise); Xuống giọng (Fall); Xuống giọng một phần (Partical fall). Và trong từng trường hợp thì chúng ta sẽ sử dụng các cách khác nhau.
1. Khi đặt câu hỏi
- Với những câu hỏi Yes/No ngữ điệu của bạn nên thấp ở phần đầu và lên dần ở đoạn cuối câu. Ví dụ như:
Are you a teacher? – Bạn là giáo viên đúng không?
Do you like music? – Bạn có thích âm nhạc không?
- Ta cũng cần lên giọng ở cuối những câu xác định nhưng mang ý nghĩa của một câu hỏi. Ví dụ như:
You really think so? – Cậu thực sự nghĩ vậy sao?
You don’t like this food? – Cậu không thích món này à?
- Đối với các dạng câu hỏi có từ để hỏi, bạn lại phải xuống giọng ở cuối câu để thể hiện sự nghiêm túc và yêu cầu câu trả lời từ người đối diện. Nếu bạn lên giọng trong câu hỏi có từ để hỏi, thì người bản xứ sẽ thấy khá là kỳ quặc nên hãy cẩn thận nhé. Ví dụ như:
What are you doing here? – Cậu đang làm gì ở đây thế?
Why don’t you like her? – Sao cậu lại không thích cô ấy?
2. Dùng trong câu trần thuật bình thường
Với những câu mang tính chất trần thuật thông thường chúng ta sử dụng ngữ điệu xuống vào cuối câu. Ví dụ như:
I’ve been learning English for 5 years – Tớ đã học tiếng Anh được 5 năm rồi.
She is one of my classmates. – Cô ấy là một người bạn học cùng lớp của tớ.
3. Dùng trong câu hỏi đuôi
Lên giọng ở cuối câu hỏi đuôi nếu người đặt câu hỏi đang muốn biết câu trả lời chứ không phải là để xác định lại điều đã biết. Ví dụ như:
She is a teacher, isn’t she? – Cô ấy là giáo viên, phải không?
Nếu để xác định lại điều đã biết hay mong đợi một câu trả lời đồng ý với mình, chúng ta sẽ phải xuống giọng ở cuối câu. Ví dụ như:
This place is beautiful, isn’t? – Nơi này đẹp nhỉ?
That guy is quite smart, isn’t he? – Anh chàng đó thông minh phết nhờ?
4. Dùng trong câu liệt kê
Trong câu liệt kê, chúng ta sẽ lên giọng ở mỗi từ trong danh sách, duy chỉ có từ cuối cùng trong danh sách thì cần xuống giọng. Ví dụ như:
I love chocolate, strawberry and pistachio ice cream.” – Tớ thích kem socola, kem dâu và kem hạt dẻ.
5. Khi muốn bộc lộ cảm xúc
Những cảm xúc mạnh như hạnh phúc, hào hứng, sợ hãi, bực bội, ngạc nhiên thường sẽ lên giọng. Ví dụ như:
I can’t believe he gave you this camera! – Tớ không thể tin được là anh ấy tặng cho cậu cái máy ảnh này!
Ngược lại, chúng ta sẽ dùng ngữ điệu xuống đối với các trường hợp như chán nản, mỉa mai, không quan tâm. Chẳng hạn như ở ví dụ phía dưới, nếu dùng tông giọng thấp câu nói nghe sẽ khá mỉa mai. Và nếu là giọng mỉa mai thì thực chất người nói chả hào hứng hay vui mừng chút nào cả:
I’m so excited for you. – Tôi rất lấy làm mừng cho anh (thực ra tôi đang mỉa mai anh thôi).
6. Khi muốn nhấn mạnh sự quan trọng của một điều gì đó trong câu
Chúng ta sẽ lên giọng ở những từ quan trọng, muốn được nhấn mạnh hơn cả. Chẳng hạn như ở ví dụ dưới đây:
She brought a lot of blue shirts. – Ý muốn nhấn mạnh những chiếc áo có màu xanh (blue), chứ không phải vàng, hay đỏ.
She brought a lot of blue shirts. – Ý muốn nhấn mạnh nhiều (a lot of) chiếc áo chứ không phải một vài chiếc.
She brought a lot of blue shirts. – Ý muốn nhấn mạnh đấy là áo sơ mi chứ không phải váy hay áo len.
7. Dùng trong câu cảm thán
Trong câu cảm thán chúng ta cần xuống giọng để thể hiện cảm xúc của mình. Tránh lên giọng, bởi như thế người nghe sẽ nhầm tưởng bạn đang có thái độ mỉa mai, châm biếm. Ví dụ như:
What a beautiful smile you have! – Ồ, cô có nụ cười đẹp làm sao!
Luyện tập ngữ điệu tiếng Anh như thế nào?
Luyện tập nhấn trọng âm vào các từ chính trong câu
- Bước 1: Viết một câu hoàn chỉnh, đúng ngữ pháp và cấu trúc
VD: I have to go to school - Bước 2: Gạch chân từ chính
I have to go to school - Bước 3: Luyện nói
“Have … go … school” với ngữ điệu, độ cao, độ ngân, độ to như nhau - Bước 4: Thêm các từ còn lại
“ I HAVE to GO to SCHOOL” với độ cao, độ ngân thấp hơn và nhỏ hơn
Lưu ý trong bước này đó là các từ “to” gần như gắn vào từ “go” và “school” ở sau. Tức là: I HAVE /toGO /toSCHOOL
Luyện tập thể hiện ngữ điệu
Cách dễ dàng nhất đó là nhắc lại theo câu nói của người bản xứ (Imitation technique). Nghe thật kỹ lần đầu tiên và đọc phụ đề, sau đó nghe lại lần hai và nhắc lại. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi bạn tập nói không phải là nói, mà là nghe lại những gì bạn vừa nói và so sánh với cách nói của người bạn địa. Bởi thực sự thì những gì người nghe sẽ nghe không giống với những gì bạn tưởng tượng đâu, bạn cần phải ghi âm giọng của mình để đối mặt với sự thật.