NHỮNG LÝ DO KHIẾN VIỆC HỌC TIẾNG ANH TRỞ NÊN NHÀM CHÁN
1. PHƯƠNG PHÁP HỌC LỖI THỜI
Thứ nhất, chỉ học trên lý thuyết và trong các tài liệu bạn tìm được. Tiếp theo gắng sức tìm cách học thuộc lòng những gì được viết ra trong đó. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Bạn phải hiểu rằng học Tiếng Anh là đang học một kỹ năng chứ không phải là học lý thuyết suông. Học phải đi đôi với thực hành. Nó giống như khi bạn học một môn thể thao hay một môn nghệ thuật vậy.
Thứ hai, khi học Tiếng Anh, đặc biệt trong giao tiếp, bạn thường đi theo một quy trình truyền thống như sau:
Tiếp nhận thông tin Tiếng Anh → Dịch ra Tiếng Việt → Suy nghĩ thông tin phản hồi bằng Tiếng Việt → Dịch ra Tiếng Anh và trả lời
Đây là một quy trình lỗi thời và rất không tốt cho việc học Tiếng Anh. Đa số những người bắt đầu học Tiếng Anh hoặc thậm chí đã học trong một thời gian dài vẫn sử dụng quy trình này. Hãy thay đổi nó bằng cách luyện tập thật nhiều cho đến khi câu trả lời bằng Tiếng Anh đã nằm sẵn trong đầu. Khi gặp đúng tình huống thì bạn sẽ sử dụng nó theo một phản xạ tự nhiên, chứ không theo quy trình như trên nữa.
2. NGUỒN TÀI LIỆU NHÀM CHÁN
Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ mạnh mẽ của Internet, và sẽ không ngừng phát triển trong tương lai. Vậy tại sao phải vùi mặt vào hàng tá sách vở khô cứng mà không tiếp cận những nguồn tài liệu học Tiếng Anh thú vị hơn?
Tất cả những gì bạn cần chỉ gói gọn trong một chiếc máy tính được kết nối mạng. Lúc này những thông tin mà bạn nhận được sẽ không chỉ là dạng “chữ” mà còn là hình ảnh, âm thanh, video,…Youtube, Podcasts, các diễn đàn nước ngoài và thậm chí cả trên Facebook là những nguồn có thể giúp bạn học. Đây đều là những công cụ quen thuộc mà bạn truy cập hằng ngày để giải trí. Vậy thì tại sao không dùng chúng như một nguồn tài nguyên giúp cho việc học Tiếng Anh giao tiếp của mình không còn nhàm chán nữa.
5 PHƯƠNG PHÁP GIÚP HỌC TIẾNG ANH KHÔNG NHÀM CHÁN
1. XEM PHIM HOẶC CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH TIẾNG ANH
Đây là một trong những phương pháp giúp cải thiện khả năng kỹ năng nghe nói của bạn trong những tình huống tự nhiên nhất. Mặt khác nó cũng bước đầu giúp bạn làm quen với các ngữ điệu vùng miền khác nhau trong Tiếng Anh như Anh – Úc, Anh – Anh, Anh – Mỹ,…
Nếu những lời thoại trong phim làm bạn khó hiểu, hãy bật phụ đề nhưng phải là phụ đề Tiếng Anh. Rất khó để có thể hiểu toàn bộ nội dung ngay từ lần đầu tiên. Nhưng dựa vào các tình huống, ngữ cảnh, cử chỉ của nhân vật để giúp bạn đoán được nội dung bộ phim.
Đôi khi nghe được một câu nói rất hay trong phim, bạn sẽ tự động muốn ghi nhớ câu nói đó và tập vận dụng vào các tình huống trong cuộc sống hàng ngày của mình. Ban đầu, hãy xem những bộ phim có nội dung đơn giản, dễ hiểu như phim tình cảm, phim hoạt hình,… Điều này sẽ giúp học Tiếng Anh qua phim dễ dàng, đỡ nhàm chán hơn.
Trong trường hợp cuộc sống của bạn quá bận rộn, không có nhiều thời gian để xem một bộ phim thì hãy thay thế bằng cách theo dõi các chương trình truyền hình nước ngoài ví dụ như The Voice, America’s Next Top Model, The Ellen Show,… Mình khuyến khích các bạn xem những show truyền hình như thế này bởi tính giải trí rất cao và những đoạn hội thoại thường dễ hiểu hơn và mang tính hài hước hơn nên sẽ khiến bạn cảm thấy thích thú.
Hãy nhớ điều quan trọng là, không nhất thiết bạn phải xem một bộ phim hay một chương trình truyền hình để luyện Tiếng Anh, chỉ cần đó là những gì bạn thích thì hãy cứ xem nó. Đừng ép bản thân phải xem một bộ phim nhàm chán. Điều này hoàn toàn không hiệu quả.
2. LÀM THEO THẦN TƯỢNG CỦA MÌNH
Bạn có cảm thấy phương pháp này thật “trẻ trâu” khí mới nghe đến không? Bật mí với bạn đây là phương pháp rất hay và vô cùng hiệu quả để cải thiện cách phát âm và ngữ điệu. Hãy lên Youtube, tìm kiếm và xem những clip phỏng vấn về thần tượng của bạn. Không quan trọng thần tượng của bạn là ai, đó có thể là một cầu thủ bóng đá, một ca sĩ, một diễn viên… Ví dụ như thần tượng của mình từ lúc còn học cấp hai là diễn viên Emma Watson… Mình rất thường lên Youtube và tìm kiếm cụm từ “Emma Watson interview”. Việc của mình chỉ là ngồi nghe thần tượng của mình nói gì và bắt chước theo cô ấy thôi. Thậm chí mình thường xem lại một video rất nhiều lần vì đó là video mình thích nên sẽ không gây nhàm chán.
3. HỌC BẰNG CÁCH TƯỞNG TƯỢNG
Phương pháp này có thể được áp dụng trong cả việc nâng cao vốn từ vựng và giao tiếp Tiếng Anh của bạn.
Trong quá trình tích lũy từ vựng, hãy đừng học từ bằng cách viết ra một tờ giấy thật nhiều lần rồi học thuộc chúng. Mội khi bạn gặp một từ mới, sau khi tra từ điển thì ngay lập tức bạn nên hình dung trong đầu tình huống quen thuộc với bạn nhất và vận dụng từ đó vào. Bên dưới là ví dụ cụ thể để bạn có thể làm quen với phương pháp này:
Khi bạn đọc báo và gặp từ “reality”
Lập tức nghĩ đến một câu đơn giản để áp dụng: “Tomorrow is Monday, back to reality!” (Mai là Thứ hai rồi, trở về với thực tại thôi!)
Việc áp dụng ngay những từ mới vào các tình huống cụ thể như thế này là biện pháp tối ưu để bạn lưu từ mới vào bộ nhớ một cách tự nhiên nhất.
Còn trong quá trình học giao tiếp, bạn hãy tập thói quen tưởng tượng ra những đoạn hội thoại gần gũi với cuộc sống thường ngày như nói chuyện cùng người bạn của mình hoặc nghĩ ra bất kì một câu hỏi Tiếng Anh nào đó và tự mình đưa ra câu trả lời.
Ví dụ với câu hỏi: “Describe a present that you have bought recently” (Hãy miêu tả một món quà mà bạn mua gần đây).
Đây chỉ là câu hỏi giả định thôi, có thể bạn không mua món quà nào nhưng không có vấn đề gì cả, bạn chỉ đang tưởng tượng thôi mà. Hãy tập trung suy nghĩ cách trả lời cho câu hỏi này bằng cách vạch ra những ý chính trong đầu như:
– What was the present? (Món quà đó là gì?)
– Who was the present for? (Món quà dành cho ai?)
– Where did you get that present? ( Bạn mua nó ở đâu?)
– What did it look like? (Món quà trông như thế nào?)
Dựa vào những ý chính này mà bạn sẽ phát triển thành những câu trả lời hoàn chỉnh trong đầu và tập nói thành một đoạn ngắn.
Trong thực tế đây là một phương pháp dựa trên IELTS SPEAKING part 2. Trường hợp bạn không thể tự suy nghĩ ra các câu hỏi cho chính mình, bạn có thể tham khảo ngân hàng câu hỏi trong kho tài liệu của IELTS SPEAKING part 2, có rất nhiều câu hỏi quen thuộc trong cuộc sống thường ngày bạn có thể tham khảo và thực hành.
4. ĐỌC VÀ VIẾT CHỦ ĐỀ MÀ BẠN YÊU THÍCH
Việc học bất kì một ngôn ngữ nào, cụ thể là Tiếng Anh, chúng ta không chỉ học nghe, nói, giao tiếp mà còn phải học cả viết và đọc hiểu. Để việc học của bạn không bị nhàm chán ngay từ lúc bắt đầu thì trước tiên bạn nên tìm đọc những chủ đề mà mình thích. Cách làm này sẽ giúp bạn tạo dựng được nguồn động lực muốn hiểu về nội dung của bài viết so với việc đọc một chủ đề nào đó mà chúng ta không hứng thú.
Tại sao không thử cập nhật những status của chính bạn trên Facebook bằng Tiếng Anh?
Thay vì viết những status hàng ngày trên Facebook bằng Tiếng Việt, bạn hãy cố gắng chuyển nó qua Tiếng Anh và viết ra. Lúc này bạn sẽ nhận ra được kiến thức ngữ pháp nào mình chưa vững, vẫn còn mắc lỗi sai. Để kiểm tra câu của mình đã đúng hay chưa, bạn hãy dùng Google, Google tìm kiếm chứ không dùng Google Translate nhé. Trong kết quả tìm kiếm sẽ đưa ra cho bạn một câu văn chuẩn xác nhất dựa trên câu mà bạn đã gợi ý. Cách làm này sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc ghi nhớ ngữ pháp.
5. TIẾP XÚC VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
Có một cách để bạn nâng cao trình độ giao tiếp Tiếng Anh một cách nhanh chóng đó là tạo ra một môi trường Tiếng Anh xung quanh mình. Bạn có tự hỏi tại sao những người đi du học về, chỉ cần một năm thôi là Tiếng Anh đã khá lên rất nhiều hay không? Câu trả lời là những người đó được tiếp xúc liên tục với một môi trường Tiếng Anh, con người xung quanh nói Tiếng Anh và tất cả mọi thứ xung quanh đều bằng Tiếng Anh. Cho nên, để học Tiếng Anh có hiệu quả, chúng ta phải tạo được một môi trường tương tự tại Việt Nam.
Hãy chủ động tìm kiếm những địa điểm mà người nước ngoài hay đến tại thành phố mình đang sống và cố gắng tạo ra nhiều nhất có thể những tình huống để tiếp xúc với họ.
Ví dụ như bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bạn thử đến Nhà thờ Đức Bà, giả vờ làm khách du lịch ngoại quốc và hỏi một khách du lịch người nước ngoài khác: “ Excuse me, do you happen to see any mall near here? I’m a tourist and I can’t find anyone who can speak English to ask” – (Xin lỗi, anh/chị có tình cờ thấy một trung tâm mua sắm nào gần đây không? Tôi là khách du lịch và không ai ở đây nói được Tiếng Anh để cho tôi hỏi cả).
Bên cạnh đó, bạn còn có thể lên các diễn đàn trao đổi chủ đề mình thích để giao lưu, kết bạn, làm quen với nhiều người nước ngoài và tham gia bình luận, đưa ra ý kiến về những chủ đề bằng Tiếng Anh. Một khi đã tiếp xúc và nói chuyện với nhiều người, bạn sẽ không còn cảm thấy nhàm chán khi học Tiếng Anh nữa.
KẾT LUẬN
Bạn hoàn toàn có thể thay đổi được cách nhìn của mình trong quá trình học Tiếng Anh, từ nhàm chán trở thành thích thú. Vấn đề là bạn phải tìm ra phương pháp phù hợp và thú vị cho chính bản thân bạn. Sau khi tìm được phương pháp tối ưu rồi thì hãy duy trì luyện tập và thực hành. Nên nhớ: để học Tiếng Anh không nhàm chán, hãy cố gắng ứng dụng những điều mình thích vào việc học, bạn sẽ thấy mình tiến bộ một cách nhanh chóng.
Bài viết này nhằm đưa ra các phương pháp dễ tiếp thu nhất và truyền cảm hứng cho những bạn mất căn bản Tiếng Anh, mới bắt đầu học hay học đã lâu nhưng không tiến bộ. Hãy tiếp tục theo dõi các bài viết của The Sungate để nhận được những chia sẻ thú vị và hữu ích để nâng cao trình độ Tiếng Anh của bạn nhé!