VÌ SAO TRẺ HỌC TIẾNG ANH DỄ HƠN NGƯỜI LỚN

Giai đoạn học hỏi then chốt

Não trẻ nhỏ trải qua một giai đoạn quan trọng giúp chúng dễ dàng tiếp thu các hình thức thông tin khác nhau. Suốt giai đoạn này, một phần bộ não gọi là basilis trung tâm được kích hoạt. Phần não bộ này có tác dụng khiến não tập trung và ghi nhớ thông tin một cách “sắc nét”.

Trẻ nhỏ dễ dàng tiếp nhận từ vựng mới và âm thanh nhờ khả năng đặc biệt của não trong suốt giai đoạn này. Tất cả các từ vựng, thậm chí của nhiều ngôn ngữ khác nhau, được lưu trữ trong “brain map”. Một lí do khiến cho các nhà khoa học tin rằng trẻ em học ngôn ngữ rất dễ dàng đó là tất cả các ngôn ngữ này được lưu trữ trong cùng một “map”, không bị phân vào các vùng khác nhau của não bộ.

Tiếp nhận bình đẳng các thứ tiếng

Nhiều trẻ nhỏ nói đa ngôn ngữ mà không hề có ý thức về việc mình đang sử dụng nhiều thứ tiếng khác nhau, thế nhưng chúng lại dễ dàng chuyển đổi từ tiếng nọ sang tiếng kia. Khi được hỏi, những trẻ này thường trả lời những câu như: “Đây là cách nói chuyện với dì Mary”, “ Đây là cách nói với bố”,… – mà không phải là “Đây là tiếng Tây Ban Nha và đây là Tiếng Anh”. Những trẻ này coi hai thứ tiếng bình đẳng như nhau. Với sự tiếp nhận bình đẳng này, chúng gặp ít trở ngại hơn khi học ngoại ngữ.

Càng lớn càng khó học ngoại ngữ

Các nhà ngôn ngữ nói rằng, sau 1 tuổi, việc học từ vựng mới trở nên ngày càng khó hơn. Sau 10 tuổi, mức độ khó càng tăng, điều này khiến cho việc học ngoại ngữ trở nên vô cùng “nan giải”. Các nghiên cứu đã chỉ ra, khi chúng ta càng lớn tuổi, ngôn ngữ mẹ đẻ ngày càng chiếm dụng “brain map”, vì thế, não bộ bắt đầu tự quy định không chú ý tới âm thanh của ngôn ngữ khác.

Học ngôn ngữ thứ ba sẽ dễ dàng hơn

Theo cuộc phỏng vấn của tạp chí Forbes với nhà nghiên cứu Noam Chomsky, nếu một đứa trẻ được học ngoại ngữ trong suốt giai đoạn học tập then chốt, thì sau này đứa trẻ sẽ vô cùng thuận lợi trong việc học các ngôn ngữ khác nữa, ngay cả sau 10 tuổi. Qua đó thấy được giai đoạn học hỏi này của trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng.