Hiện nay, học tiếng Anh tại nhà đã nổi lên như một cơn sốt trong cộng đồng làm cha mẹ Việt Nam cũng như toàn cầu. Nhiều phụ huynh mong muốn dạy tiếng Anh cho con tại nhà nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Hãy tham khảo những lời gợi ý dưới đây từ IGEMS Online English Coaching để bắt tay vào kế hoạch hay ho này nhé!
Không quan trọng trình độ tiếng Anh của bố mẹ có hoàn hảo hay không. Điểm mấu chốt là sự kiên nhẫn và say mê khi mang đến động lực và khích lệ cho việc học tập của con. Con sẽ cảm nhận được sự đam mê hiếu học, từ đó bé tự động tìm đến tiếng Anh chứ không bị bắt ép hay thúc giục.
1. Lập kế hoạch
Hãy lập kế hoạch cho chu trình học tiếng Anh tại nhà cùng con. Những buổi học ngắn đều đặn diễn ra hàng ngày sẽ mang lại hiệu quả cao hơn hàng giờ học dài lê thê. Bạn có thể để trẻ nhỏ bắt đầu với 15 phút, và tăng dần theo độ tuổi và khả năng tập trung của con. Những hoạt động trong khi học cũng nên ngắn gọn nhưng phong phú để hấp dẫn con.
Hãy thử thực hiện những hoạt động theo từng giờ trong kế hoạch hàng ngày. Trẻ thường thấy thoải mái và tự tin hơn khi các em biết mình sắp sửa làm gì. Ví dụ, sau khi đi học về mình sẽ cùng chơi trò chơi tiếng Anh, hoặc đọc truyện tiếng Anh mỗi khi lên giường. Sự lặp lại rất quan trọng cho não bộ trong việc ghi nhớ kiến thức. Trẻ em cần phải được nghe và hướng dẫn nhiều lần, trước khi thực sự sẵn sàng sử dụng một từ hay cụm từ mới một cách chủ động.
2. Chơi trò chơi tiếng Anh
Trẻ thường học nhanh hơn khi chúng thấy vui vẻ, thoải mái. Flashcards là một cách tuyệt vời để ôn luyện từ vựng. Hơn nữa, cũng có nhiều trò chơi thú vị xoay quanh việc học với Flashcards như trò Memory, Kim’s Game hay Happy Families.
Ngoài ra, cả nhà có thể cùng nhau tham gia những trò chơi khác, tuỳ theo tính cách của con và chương trình học hôm đó:
- Trò chơi vận động: Simon says, What’s the time Mr. Wolf?
- Trò chơi bảng Board Games: Snakes and Ladders.
- Trò chơi học từ: Hangman, I spy.
- Các trò chơi tiếng Anh trực tuyến.
3. Học mọi nơi mọi lúc
Một lợi thế của việc học tiếng Anh tại nhà chính là cả nhà đều có thể áp dụng kiến thức vào mọi trường hợp thực tế và những vật dụng trong nhà.
Ví dụ như:
- Cùng trao đổi về thời trang, quần áo khi con đang chuẩn bị đồ hoặc khi con cùng mẹ giặt quần áo.
- Ôn luyện từ vựng về đồ chơi và vật dụng trong nhà trong khi dọn dẹp.
- Học về thực phẩm, đồ ăn uống khi nấu ăn hoặc mua sắm.
4. Học tiếng Anh qua bài hát
Âm nhạc luôn là phương pháp hữu hiệu để phát triển ngôn ngữ và cách phát âm, bạn có thể đọc lại bài viết trước về âm nhạc tại đây. Cùng với việc nhảy múa hoạ theo giai điệu, trẻ dễ dàng nắm bắt được ý nghĩa của lời bài hát, để từ đó phát triển vốn từ vựng và khả năng giao tiếp tự nhiên theo phản xạ.
5. Dạy trẻ ngữ pháp tiếng Anh
Với những trẻ còn quá nhỏ, rất khó để ép trẻ học thuộc hay ghi nhớ những quy tắc ngữ pháp tiếng Anh phức tạp. Thay vào đó, chúng ta có thể bắt đầu với những cấu trúc đơn giản, phổ biến dễ áp dụng hàng ngày. Ví dụ như “have/has” nói về sở hữu hoặc “should/should not” khi nói về lời khuyên hoặc nguyên tắc. Được nghe và nói những câu ngữ pháp như vậy hàng ngày, giúp trẻ hình thành thói quen và phản xạ ngôn ngữ tự nhiên.
Với những trẻ lớn hơn một chút, những bài tập ngữ pháp đơn giản hoặc những câu đố, trò chơi ngắn có thể giúp bé ghi nhớ nhanh hơn.
6. Vậy tóm lại, những từ vựng hay cụm từ nào tôi nên bắt đầu dạy con?
Không hề có một đáp án chính xác cho câu hỏi này, vì mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt. Bạn hãy lắng nghe sở thích và tính cách của con khi lựa chọn những chủ điểm học phù hợp. Hay đơn giản hỏi ý kiến con, để con và mẹ cùng quyết định. Điều này sẽ tạo hứng thú học cho trẻ ngay từ bước đầu tiên.
- Số đếm
- Màu sắc
- Tính từ
- Cơ thể người
- Đồ chơi
- Quần áo
- Động vật
- Thực phẩm